Ở Nhật Bản vào khoảng thế kỉ 16, trên chiếc thuyền buôn đông đúc đang xuôi dòng trên hồ Biwa, có chàng kiếm sĩ nọ vừa huơ huơ thanh kiếm dài vừa thao thao về tài năng võ thuật kiệt xuất của chính mình. Mọi người hơi e sợ và ngại rắc rối nên cũng vờ như thích thú. Nhưng có một ông lão chỉ ngồi yên lặng, rõ ràng là đang thờ ơ với câu chuyện.
Chà, trông kìa, ông ta còn đeo kiếm bên hông, chắc chắn là một tay samurai ngáo ngơ nào đấy rồi, anh chàng bực mình và bắt đầu cà khịa:
“Này ông lão, ông có dám cho tôi biết ông thuộc trường phái kiếm thuật nào không?”
Ông lão từ tốn đáp, “Kiếm thuật của tôi khác với của anh. Nó không dùng để đánh nhau, mà là để tự vệ.
Nếu anh muốn biết thì đó gọi là Mutekatsu Ryu (nghĩa là chiến đấu mà không cần tới kiếm/ không cần động thủ).”
Anh chàng nghe vậy thì tỏ vẻ khinh thường vì cho rằng đó là sự yếu đuối, anh hùng hổ thách đấu. Ông lão đồng ý và yêu cầu thuyền tấp vào một bờ đất gần đó để trận chiến không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi thuyền vừa đến vùng nước nông, anh kiếm sĩ trẻ vội nhảy xuống lội vào bờ, chọn vị trí tốt nhất để thủ thế.
Có lẽ sau này anh chàng sẽ phải hối hận vì hành động này lắm, nếu biết được người mình vừa thách đấu thực sự là ai. Ông lão đó chính là huyền thoại samurai Tsukahara Bokuden, người được mệnh danh là một trong những huyền thoại kiếm đạo tài năng nhất từng có trong lịch sử. Và nghệ thuật chiến thắng không cần dùng kiếm của ông cũng không phải nói ngoa.
Sau khi chàng samurai trẻ vội vàng lao vào khu đất, Bokuden từ tốn cầm mái chèo đẩy thuyền ngược ra vùng nước sâu, tách xa khỏi bờ. Mắc cạn trên bờ đất nhỏ, anh chàng nhảy loi choi và la hét chửi rủa, Bokuden chỉ cười và đáp “Đây là bài học về việc chiến đấu không cần dùng kiếm dành cho anh, chàng trai ạ”.
Bài học kinh doanh:
Trong kinh doanh thường có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thế nhưng để đoán biết được tình hình của đối thủ là không hề dễ dàng. Do đó, chiến lược tấn công thị trường của doanh nghiệp đề ra phải thật cẩn trọng, chừa cho mình đường lui và đi theo từng bước nhỏ. Không nên khinh địch mà hấp tấp vội vàng đưa lời khích bác như chàng kiếm sĩ trẻ tuổi nọ. Nếu đối thủ lúc đầu không đáp trả, có thể là họ chưa muốn, chứ không phải là không thể. Đừng hiểu nhầm để rồi trở tay không kịp.
Nguồn: Sưu tầm
Trần Văn Quang – Người truyền cảm hứng!
Leave a Reply